Trẻ mù mắt vì túi hút ẩm 1


Các bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc với những gói hút ẩm có trong các sản phẩm hàng hóa để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Tính đến nay đã có khá nhiều trường hợp bị tai nạn về mắt do gói chống ẩm gây ra.  Đặc biệt, gói chống ẩm vô cùng nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Các bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, chất bột trong các gói hút ẩm có trọng lượng nhỏ nhưng rất đậm đặc với độ PH từ 12 đến14 và có tính kiềm nên có thể xuyên sâu vào trong giác mạc gây bỏng. Bỏng do kiềm nguy hiểm hơn nhiều so với bỏng do axít vì dễ bỏng sâu, lan rộng và nguy cơ hoại tử nhanh, dẫn đến mù mắt. Khi hít phải loại bột này, cũng có thể gây bỏng hô hấp. Vì vậy các bác sỹ khuyến cáo các bậc phụ huynh không cho trẻ tiếp xúc với những gói hút ẩm có trong các sản phẩm hàng hóa.

goi-hut-am

Hình ảnh gói hút ẩm

 

PGS.TS Trần Hồng Côn, Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Bình thường, gói chống ẩm là những hạt tròn nhỏ. Chất chống ẩm dùng trong bánh kẹo thường là Silica gel. Tính chất của Silica gel là hút ẩm, hút nước. Nếu không may bị dính vào mắt, những hạt Silica gel này lập tức làm “nhiệm vụ” và nhanh chóng hút hết nước ở trong mắt.

Giải thích về gói chống ẩm bằng bột này, PGS Trần Hồng Côn cho rằng, rất khó để đánh giá chất lượng của gói chống ẩm này. “Bình thường, nếu được làm từ Silica gel thì nó sẽ là dạng hạt. Còn với những hàng không rõ nguồn gốc thì không ai có thể khẳng định được liệu nó có là Silica gel hay không, thậm chí nó có thể là vôi bột.  Chỉ có thế thử bằng cách dùng giấy quỳ thử, nếu giấy quỳ chuyển sang kiềm thì không phải Silica gel mà là vôi bột. Vôi bột cũng có tác dụng hút nước nhưng nguy hiểm hơn, khi bắn vào mắt gây bỏng kiềm, ăn mòn, làm hỏng giác mạc. Còn Silica gel là dạng  trung tính nên hầu như không gây hại, có thể chỉ làm khô nhất thời chỗ giác mạc đó nhưng không ăn sâu”, TS Côn nói.

Chất hút ẩm không độc hại, không dễ cháy hay phản ứng với những chất thông thường khi ta sử dụng hằng ngày. Tuy nhiên, nó cũng có thể kích thích đường hô hấp, có thể gây kích thích đường tiêu hóa, bụi từ các hạt này có thể gây kích ứng cho da và mắt.

Bỏng mắt là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa, tổn thương chủ yếu là kết giác mạc, điều trị gặp nhiều khó khăn. Khả năng phục hồi thị lực phụ thuộc nhiều vào việc cấp cứu ở những phút ban đầu ngay sau bị bỏng.

Các bác sỹ chuyên khoa mắt khuyến cáo, mắt bị bỏng phụ thuộc vào việc cấp cứu ở những phút ban đầu sau bị bỏng, do đó việc xử trí cấp cứu ở nơi xảy ra tai nạn là điều rất quan trọng. Vì thế, trong trường hợp trẻ bị chất lạ bắn vào mắt, cha mẹ cần nhanh chóng rửa mắt sớm, xối rửa dưới vòi nước sạch trong tư thế bệnh nhân nằm ngửa, mắt mở chủ động hoặc người khác phải vành mi giúp, sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất…

Ngay với gói hút ẩm này, nếu để chất chống ẩm hút hết nước tự nhiên trong mắt cũng gây ảnh hưởng thị lực, nên cần sơ cứu bằng cách nhỏ nước liên tục, nằm nghiêng một bên để dị vật từ mắt trôi ra ngoài. Quan trọng hơn, phụ huynh cần chú ý khi bóc bánh kẹo, sản phẩm tiêu dùng nếu phát hiện thấy gói chống ẩm cần vứt bỏ, không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với gói chống ẩm, cần giáo dục các em tác hại của gói chống ẩm để tránh những nguy cơ trên.

Linh Nguyễn (th)