Túi hút ẩm- Ẩn họa trong bánh kẹo


Những rủi ro liên tiếp mà nạn nhân là trẻ em liên quan đến túi hút ẩm xảy ra trong thời gian gần đây đã khiến không ít bậc cha mẹ hoang mang lo ngại. 

Bỏng mắt vì gói chống ẩm

Do nghịch gói chống ẩm trong gói bánh gạo, một số trẻ đã phải nhập viện, điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương do bị bỏng mắt. Đó là trường hợp của cháu Đ.T.Đ, 3 tuổi, ở huyện Ba Vì, Hà Nội. Vì nghịch gói chống ẩm và bôi lên mắt, cháu Đ đã bị bỏng hai mắt. Cũng trong tình trạng tương tự, cháu L.G.B 26 tháng tuổi ở Đồ Sơn, Hải Phòng cho gói chống ẩm vào miệng cắn, khiến bột bắn vào mắt phải gây chấn thương. Trước đó, cháu N.H.T, ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai cũng gặp tai nạn với gói chống ẩm trong túi bánh gây bỏng mắt và một số vùng trên cơ thể.Mặc dù trên những gói hút ẩm này, các nhà sản xuất đều cho in những dòng chữ cảnh báo “không được ăn” nhưng với những trẻ còn nhỏ, chưa có khả năng đọc, đặc biệt là những em nhỏ ở vùng sâu vùng xa, thì những dòng chữ này chẳng khác nào… đánh đố.

Khi được hỏi: “Cháu đã bao giờ thấy gói chống ẩm chưa và có sờ vào chúng không”, bé Phương Anh – học sinh thường Tiểu học Ngọc Lâm, quận Long Biên hồn nhiên trả lời: “Cháu thấy nhiều rồi. Cháu đã ngửi rồi bóc ra nhưng bên trong gói hút ẩm chỉ có những hạt nhỏ, cháu nghĩ là không ăn được nên đã vứt đi. Em gái cháu cũng mấy lần định đưa vào miệng, cháu nhìn thấy toàn phải giật lại”.

hat-hut-am

Hình ảnh hạt hút ẩm | Banog Co.,Ltd

 

Phòng là chính

Để phòng ngừa nấm mốc gây hư hỏng thức ăn, đồ đạc trong các bao gói thực phẩm, đồ dùng, nhà sản xuất thường cho gói chống ẩm vào. Bao bì của gói chống ẩm thường được làm bằng một loại màng mỏng để hút ôxy, nhưng chất bên trong không thể thẩm thấu ra ngoài nên không thể ngấm vào đồ ăn, gây hại cho sức khỏe. Bên trong túi thường chứa các hóa chất có khả năng hút ẩm cao như silica gel (SiO2), đất sét Bentonite, Ôxít Canxi (CaO – vôi sống)… Tuy vậy, hoá chất trong gói hút ẩm lại trở nên không an toàn khi tiếp xúc trực tiếp vào mắt mũi miệng. Do đó, để khuyến cáo người tiêu dùng, bên ngoài các gói hút ẩm này thường có những dòng chữ “không ăn được”, “để xa tầm tay trẻ em”, “bỏ vào sọt rác”, “không được làm rách bao bì”… Song điều đáng nói là, trong một số sản phẩm những dòng chữ này được in khá nhỏ và mờ nhạt nên không có tác dụng cảnh báo.

Theo ông Nguyễn Đình Sơn – Kỹ sư hóa thực phẩm, chất chống ẩm dùng trong bánh kẹo thường là Silica gel hút ẩm, hút nước. Do nồng độ PH cao nên nếu bị dính vào mắt hoặc những bộ phận khác trên cơ thể, những hạt Silica gel này sẽ hút hết nước ở trong hốc mắt và các khu vực nó chạm phải, gây khô rát, bỏng mắt, bỏng da, loét miệng và có thể gây hại cho đường ruột. Với trẻ nhỏ, khi bị hạt hút ẩm vào mặt hay nuốt phải có thể gây mù mắt.

Còn theo bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu – Bệnh viện E, chất bột trong các gói hút ẩm có thể xuyên sâu vào trong giác mạc gây bỏng sâu, lan rộng. Khi bị bỏng do túi hút ẩm, điều quan trọng nhất là nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời. Nếu trẻ ăn phải gói hút ẩm, phụ huynh hãy tìm mọi cách để cho trẻ nôn ra và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Còn khi trẻ bị hạt chống ẩm bay vào mắt, trẻ cần được rửa mắt ngay lập tức bằng nước sạch sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc tiếp theo liên quan đến gói hút ẩm, các nhà sản xuất cần quan tâm hơn nữa trong việc cảnh báo tác hại của gói chống ẩm trong các sản phẩm đồ ăn dành cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần kiểm tra kỹ các sản phẩm có gói hút ẩm, tuyệt đối không cho trẻ chơi hoặc tiếp xúc với chúng. Cha mẹ cũng nên phân tích cho con nhận biết về hình thức và tác hại của gói chống ẩm để các em biết cách phân biệt và phòng tránh.

(Theo Người đưa tin)